Với những chứng cứ lịch sử, hay những điều luật và công pháp quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng khi khởi kiện Trung Quốc lên hội đồng luật pháp Quốc Tế Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. PV có cuộc trao đổi với TS Phạm Phú Xuân và TS Nguyễn Trọng Bình – thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông – để có thêm góc nhìn về vấn đề này.
Ngày 1/5, Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu HD-981 và lực lượng bảo vệ của Trung Quốc đặt khoan thăm dò trái phép, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Là người nghiên cứu Biển Đông nhiều năm, ông nhận định như thế nào về hành động này?
TS Phạm Phú Xuân: Chúng tôi không cảm thấy bất ngờ bởi vì tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông là rất lớn, việc họ đưa giàn khoan đã được chúng tôi cảnh báo từ năm 2011 và cho đến nay đã thành hiện thực. Ý đồ của Trung Quốc đã có từ lâu, họ đã và vẫn thực hiện bằng phương pháp gặm nhấm từ từ như “tằm ăn lá dâu”. Trung Quốc chỉ chờ thời cơ thuận lợi là thực hiện, và nay họ cảm thấy thời cơ đã đến.
Tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để khiêu khích?
TS Phạm Phú Xuân: Thời điểm hiện nay, sau khi Mỹ cùng EU có mâu thuẫn với Nga về vấn đề Ukraine, tạo ra thế cờ quốc tế: Nga và Trung quốc trở nên “gần” nhau hơn, trong lúc Việt nam còn có nhiều quan hệ khí tài quân sự với Nga hơn Mỹ. Điều này tạo cơ hội tốt cho Trung quốc thực hiện ý đồ của họ tại Biển Đông.
Vì sao Trung Quốc lại chọn chiêu bài đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam? Điều này có lợi gì cho phía Trung Quốc? Ẩn sau giàn khoan đó là mục đích gì?
TS Phạm Phú Xuân: Chúng tôi thấy rằng hành động trên là một bước đệm “thử lửa” của Trung Quốc đối với phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bước tiếp theo, Trung Quốc có thể lập các khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) hay một trạm cảnh báo sóng thần nhằm kiểm soát Biển Đông mọi lúc, mọi nơi.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng họ đang đánh lừa dư luận. Với những vụ khủng bố vừa qua ở trong nước, Trung Quốc đang chuyển sự quan tâm của quốc tế ra bên ngoài.
Lần này, Trung Quốc lấn vào lãnh hải Việt Nam bằng giàn khoan vì khi giàn khoan di chuyển thì có thể coi như một con tàu. Họ sử dụng giàn khoan để né luật và khiêu khích Việt Nam.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc đang thách thức luật pháp quốc tế
Hành động này của Trung Quốc, ngoài Việt Nam thì các nước khác có bị ảnh hưởng không?
TS Phạm Phú Xuân: Được đằng chân lân đằng đầu, đó là điều thường thấy của Bắc Kinh. Thời gian qua, tranh chấp giữa Philippines và cho đến nay là với Việt Nam cho thấy Trung Quốc sẽ không từ một nước nào trong ASEAN. Mất chủ quyền là một nguy cơ hiện hữu trước mắt nếu ASEAN không đoàn kết.
Ðây là việc “gặm nhấm” của Trung Quốc vào vùng biển của các nước quanh Biển Đông và đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam. Nếu Trung Quốc thành công sẽ tạo đà cho những bước kế tiếp thực hiện ý đồ của họ, thực hiện đường chữ U.
Xét về chính sách đối ngoại, cái giá mà Trung Quốc sẽ phải trả cho những hành động khiêu khích ở Biển Đông này là gì?
TS Phạm Phú Xuân: Trung Quốc đang ở vị thế siêu cường, cả từ kinh tế đến quốc phòng nên những rào cản về đối ngoại, Bắc Kinh không cần quan tâm. Trung Quốc là 1 trong 5 nước có quyền phủ quyết (Veto) tại Liên Hợp Quốc. Do đó, Trung Quốc có thái độ hung hăng và thiếu văn minh. Giữa cái “được” và mất lòng tin của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn bất chấp để đạt cho bằng được tham vọng của mình.
Hiện nay, Trung Quốc muốn đàm phán với Việt Nam, vậy chúng ta nên ứng xử thế nào?
TS Phạm Phú Xuân: Quan điểm của Việt Nam vẫn là đàm phán, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hoà bình. Tuy nhiên, không thể không cảnh giác chiêu bài “gác tranh chấp-cùng khai thác”.
TS Nguyễn Trọng Bình: Trung quốc có yêu cầu Việt Nam phải rút hết tàu khỏi khu vực giàn khoan mới đàm phán. Đề nghị này của Trung Quốc là một sự lừa gạt, vì rõ ràng khu vực đặc quyền kinh tế này là của Việt Nam, vậy tại sao chúng ta phải rút tàu mà không phải là Trung Quốc. Như thế chả khác gì thừa nhận vị trí này là của Trung Quốc.
Ông có nghĩ đến khả năng có đụng độ quân sự ở khu vực này không?
TS Nguyễn Trọng Bình – Thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông
TS Phạm Phú Xuân: Chúng tôi cho rằng không có đụng độ quân sự. Có lẽ chỉ có những va chạm nhỏ, lấn ép các nước nhỏ như hiện nay đang làm với Philippines và Việt Nam. Trung Quốc không dám có những đụng độ quân sự lớn vì sẽ lôi kéo nhiều nước và hút Mỹ vào cuộc đụng độ này, nhất là Trung Quốc không muốn đụng độ trực diện với Mỹ về quân sự.
TS Nguyễn Trọng Bình: Sẽ không có đụng độ quân sự, bởi Trung Quốc một phần nào phải e ngại dư luận cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là sự hiện diện thường trực của Mỹ tại khu vực với lý do rất chính đáng là để đảm bảo an ninhhàng hải.
Trước những hành động ngang nhiên và thách thức của Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam cần dùng những biện pháp nào để đấu tranh?
TS Phạm Phú Xuân: Việt Nam phải quyết liệt bằng mọi cách đập tan ý đồ đen tối này của Trung Quốc, cùng với quốc tế buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật quốc tế (UNCLOS) và trí tuệ, hữu hiệu sử dụng sức mạnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngoài các hoạt động đẩy đuổi HD-981 ra bên ngoài như hiện nay thì Việt Nam sẽ đưa vấn đề ra cuộc họp cấp cao ASEAN ngày 10-11/5/2014 và Hội nghị thượng đỉnh Shangri-la.
Bên cạnh tuyên truyền bằng báo chí, hội thảo thì nên tổ chức thêm các buổi toạ đàm tại các trường học, mời nhà nghiên cứu đến nói chuyện để sinh viên, học sinh và quần chúng được nghe, được đặt câu hỏi và nhận được giải đáp ngay tại chỗ, và khởi kiện Trung Quốc ra Toà án công lý quốc tế.
TS Nguyễn Trọng Bình: Về việc khởi kiện, Việt Nam phải sửa soạn và cân nhắc để có thể thắng kiện. Việc Việt Nam đi kiện sẽ là lời khẳng định với quốc tế rằng Việt Nam tố cáo Trung Quốc xâm lược, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng bằng những chứng cứ lịch sử và công pháp quốc tế, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu khởi kiện.
Xin trân trọng cảm ơn hai Tiến sĩ!
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét